Thừa nhận mình chỉ thuộc dạng “hậu bối” ở làng mai đất Nhơn An (thị xã An Nhơn), nhưng ông Nguyễn Trí Tuấn đang tạo dựng cho mình một thương hiệu mạnh bằng loại mai bonsai được người chơi cây kiểng cả nước ưa chuộng.
Chuyển hướng
Ông chủ vườn mai Tuấn Ngọc – Nguyễn Trí Tuấn (thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn)- xuất thân là một tài xế xe ủi và có thời gian gắn bó với xe ủi nhiều hơn là với mai. Từ năm 1980, ông đã làm tài xế xe ủi tại Chi cục cơ giới Nghĩa Bình. Nhưng chỉ gắn bó với cơ quan nhà nước trong vòng 7 năm, ông xin nghỉ chế độ rồi sắm xe làm ngoài.
Gắn bó với xe ủi, nhưng “khổ” là ông còn có niềm đam mê với cây cảnh, đặc biệt là mai. Nhiều hôm xong việc ông lại tìm đến vườn mai của những người quen ở thôn Háo Đức để coi người ta cắt tỉa, uốn cành. Coi chưa đã, ông còn mua thử hai cây mai phong để được… thực tập tại chỗ. Thấy người ta làm gì, ông cũng bắt chước theo, sau hai năm, cặp mai lúc đầu mua 500 ngàn đồng bán được tổng cộng 4,5 triệu đồng. Tưởng chỉ chơi cho vui, không ngờ “tỉ suất lợi nhuận” quá lớn, ông Tuấn chợt nghĩ đến việc chuyển hướng sang trồng mai thương phẩm.
Có kinh nghiệm chăm sóc mai nhờ học hỏi các nghệ nhân trong vùng, năm 2000, ông mua 250 gốc về thí điểm, sau đó bán lứa đầu tiên lời được hơn 60 triệu đồng. Khi thấy rõ hiệu quả giá trị kinh tế từ cây mai, ông bán dần xe ủi, đến năm 2004 thì thanh lý chiếc cuối cùng để chuyển hẳn sang trồng mai. Khi đó, ông đã sở hữu 2.000 chậu mai phong. Gầy dựng được thương hiệu nhờ chọn được giống tốt, nụ to, hoa rải đều và biết cách tạo dáng thế đẹp, kháng bệnh tốt, mai Tuấn Ngọc được thị trường trong Nam, ngoài Bắc và cả Tây Nguyên ưa chuộng. Hàng năm thu nhập từ vườn mai đem lại cho gia đình ông khoản lãi đều đặn trên dưới 300 triệu đồng.
Với nhiều người, mức thu nhập đó được coi là quá ổn, nhưng ông Tuấn không nghĩ vậy. Nghe ngóng thị trường, nối mạng để cập nhật thông tin, ông nhận ra hướng đi mới: trồng mai bonsai. Lý giải về quyết định chuyển sang trồng mai bonsai, ông Tuấn cho biết: “Một phần là do có người đến vườn tìm mua, phần nữa là vì tui nghĩ, hiện nay ở các thành phố lớn nhà chung cư nhiều, loại chậu nhỏ dễ dàng vận chuyển, sắp xếp trong nhà hơn”. Nhưng để chuyển sang mai bonsai, ông chủ vườn mai Tuấn Ngọc có đến vài năm chuẩn bị.
Công nghệ mai bonsai
Khi ông Tuấn tung ra thị trường 100 chậu mai bonsai đầu tiên vào Tết Nhâm Thìn 2012, cả làng mai bất ngờ. Số mai bonsai này nhanh chóng “tỏa đi” khắp cả nước, thương hiệu mai Tuấn Ngọc tiếp tục được nhiều người biết đến. Người ta chẳng biết bằng cách nào ông có thể đưa ra thị trường ngần ấy mai, khi phong cách chơi này mới chỉ bắt đầu rộ lên. Ông Tuấn phân tích về thị trường mai bonsai: “Thực ra người ta chơi mai bonsai từ rất lâu rồi, nhưng chủ yếu là tìm những cây độc, nhiều tuổi nên giá khá cao. Mình trồng dạng thương phẩm thì giá phải hợp lý mới bán được đại trà. Hiện nay mai trong vườn của tui nằm giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/cây thôi”. Ở lứa đầu tiên, khi thấy ông hạ hàng loạt mai phong đang ngon lành, không ít người bảo ông bị… hâm. Nhưng khi thấy được sức hút của sản phẩm này thì người ta mới bắt đầu đổ xô vào làm theo.
Để có được những chậu bonsai đẹp nhưng giá mềm, ông Tuấn phải lùng mua phôi là những cây mai phong đã bị chết chi, dáng thế xấu, thậm chí có cây người ta vứt đi. Công việc đầu tiên của ông khi đem cây phôi về là cắt thân, giũ sạch đất và làm vệ sinh kỹ lưỡng để loại bỏ những vi sinh vật có thể gây bệnh. Sau đó, tùy theo từng cây mà ông áp dụng chế độ chăm sóc riêng. Tiếp đó mới là công đoạn cấy ghép chồi từ giống “mai Tuấn Ngọc”. Điều đặc biệt là tỉ lệ ghép thành công của mai rất cao, có khi đến 90%. Dẫn tôi đến bên một gốc mai mới ghép, ông Tuấn giới thiệu về “công nghệ” của mình: “Chồi phải được ghép chỗ đường nhựa đi lên, phần ghép phải được bọc kín để khi tưới nước không thấm vào. Cây mới ghép chỉ tưới lượng nước vừa phải và phải để trong mát, tránh bị ánh nắng làm “ra mồ hôi”.
Với ông Tuấn, nước tưới và việc chăm sóc là hai yếu tố quan trọng nhất giúp cây mai bonsai phát triển nhanh và khỏe mạnh. Thông thường, chỉ cần 1-2 năm sau khi cấy ghép chồi là ông đã có thể xuất bán, trong khi những người khác phải cần gấp rưỡi thời gian như vậy. Từ cây phôi có giá khoảng 350 ngàn đồng, sau 2 năm giá trị có thể đã tăng lên gấp mười lần. Coi trọng nguồn nước tưới, do đó, ông rất cẩn thận, thường đem nước giếng đi kiểm nghiệm để biết rõ thành phần và cách xử lý. Nước phèn nhiều, ông bơm sang ao để bay bớt phèn, sau đó mới bơm từ ao lên tưới. Tính ra chỉ phải trả thêm khoảng 1 triệu đồng tiền điện, nhưng ông yên tâm về nước tưới.
Những người cùng nghề trồng mai như ông Tuấn còn ngưỡng mộ ông ở cách tưới cây. Chỉ cần nhìn thân hoặc lá cây, ông biết ngay nó cần bao nhiêu nước. Vì vậy, dù phủ xơ dừa, vỏ đậu phụng trên gốc mai, nhưng ông vẫn có thể tưới đủ liều lượng. Ông Tuấn lý giải khá đơn giản: “Cây cũng như người thôi, cho “ăn uống” phải điều độ chứ nhiều quá thì thương thực, còn ít quá lại còi cọc. Coi vậy chớ tui mà đau ốm hay có việc gì không ra vườn, để bà xã hay con rể tưới 3 ngày là có vài cây “ra đi” chớ chẳng chơi”. Để chắc chắn hơn trong việc xác định độ ẩm của các tầng đất, ông Tuấn trang bị một cây sắt có đường kính bằng đầu đũa, dài chừng nửa thước. Cầm cây sắt chọc sâu xuống chậu đất rồi rút lên, quan sát lượng đất bám trên cây sắt là ông có thể biết có nên bổ sung nước cho cây hay không. Đúc rút kinh nghiệm từ nhiều năm, ông gần như chuyển hẳn sang dùng phân, thuốc có nguồn gốc sinh học, vừa hiệu quả, vừa không bị ảnh hưởng sức khỏe và môi trường.
Ông Tuấn luôn tâm niệm, làm gì cũng phải khác và hơn người ta thì mới thành công được. Khi chuyển qua bonsai, ông lên mạng tham khảo các mẫu của Nhật Bản, Trung Quốc để có ý tưởng tạo dáng cho cây của mình. Thấy mô hình của ông hiệu quả, nhiều người tìm đến vườn học hỏi, cũng có một số “ăn cắp” công nghệ. Ông chủ vườn mai Tuấn Ngọc bộc bạch: “Tui cũng là người từng đi học hỏi khắp nơi mới có được ngày hôm nay, nên ai hỏi về cách chăm sóc tui đều truyền đạt cặn kẽ. Đã hỏi thì nên hỏi cho rõ, chớ không nên học lõm. Trong chậu có đến 3 lớp, dưới cùng là cát, giữa là lớp đất bồi ven sông, bên trên lại là một lớp cát. Phải trên thông dưới thoáng thì cây mới phát triển nhanh được. Có người đến lấy ít đất trong chậu của tui về phân tích và bắt chước dùng loại đó để trồng, nhưng rồi cây chết, đâm ra tui lại bị mang tiếng cố tình “chơi ác” người khác”.
Trăn trở về thương hiệu
Công nghệ trồng mai bonsai của nghệ nhân Nguyễn Trí Tuấn khiến rất nhiều người nể phục. Trong đó có cả “thầy” của ông trước đây là nghệ nhân Trần Hoàng (ở TP Quy Nhơn). Ngày còn đi đây đó để học hỏi cách trồng cây cảnh, ông Tuấn được ông Hoàng chỉ cho cách trồng sanh sao cho nhanh lớn. Nhưng sau này, khi đến thăm vườn mai Tuấn Ngọc, ông Hoàng lại có lời đề nghị ngược lại đối với mai bonsai: “Ông chỉ cho người dốt thì phải chỉ cho kỹ chút nghen”.
Để giới thiệu giống mai của mình đến các địa phương khác, ông Tuấn lập hẳn trang web (www.vuonmaituanngoc.com), chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010. Thông qua đó, ông nhận được rất nhiều lời đề nghị hợp tác hấp dẫn từ khắp nơi. Trong đó, một trong những ý tưởng được ông lưu tâm nhất là việc một người ở Nam Định muốn mua vài trăm chậu mai của ông về cho thuê, sau đó sẽ gửi lại vườn, hàng năm trả công chăm sóc cho ông. Hay có người chịu bỏ ra toàn bộ chi phí mua cây phôi, phân bón…, ông chỉ bỏ công chăm, đến khi bán thì chia đôi… Điều làm ông Tuấn hài lòng nhất khi chuyển từ mai phong qua mai bonsai là không phải thuê thêm đất để cây, lượng phân bón, nước tưới đều giảm hẳn so với trước, nhưng thu nhập vẫn ở mức cao. Như đợt Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua ông thu được 450 triệu đồng.
Điều trăn trở lớn nhất hiện nay của ông Tuấn chính là việc có nhiều người trồng mai theo phong trào, gây nhiễu loạn thị trường. Lượng cung vượt cầu khiến cho không ít hộ bị thương lái ép giá, có người còn phá sản vì ngâm vốn trong mai. Vì vậy, ông ấp ủ mong muốn thành lập một mô hình tương tự như hợp tác xã, để có thể quản lý cả chất lượng lẫn giá cả. “Có như vậy thì mọi người mới có ý thức chung tay bảo vệ thương hiệu mai vàng An Nhơn được, chứ như tình trạng hiện nay thì thương hiệu này đang dần đi xuống thấy rõ” – ông Tuấn chia sẻ.
Tác giả: Lê Cường
Nguồn: Báo Bình Định
Liên kết: http://baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx?macm=32&macmp=32&mabb=19537