Ở “thủ phủ” mai vàng miền Trung

Những ngày này, không khí tại các làng mai ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) – nơi được mệnh danh là “thủ phủ” mai vàng miền Trung nhộn nhịp hẳn. Người trồng mai đang vui như hội vì mai được mùa, được giá, hứa hẹn một cái Tết sung túc.

Có thể nói, mai vàng nơi này ngày càng khẳng định chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế, bởi hầu hết các hộ trồng mai đã chuyển từ canh tác truyền thống sang canh tác theo hướng an toàn.

Mai được mùa, được giá

Gần 1 tháng nữa đến Tết Nguyên đán nhưng thị trường mai Tết tại Nhơn An đã rộn ràng, náo nhiệt. Không khí tại các làng mai ở Nhơn An: Háo Đức, Thanh Liêm, Trung Định, Thuận Thái, Tân Dương… sôi động hẳn lên. 

Dọc tuyến đường tỉnh lộ 631 chạy qua địa bàn xã Nhơn An, nhiều nhà vườn đã vận chuyển hàng ngàn chậu mai ra để bày bán. Kẻ bán, người mua nói cười rôm rả. Nhiều chiếc xe tải nối đuôi nhau ở 2 bên đường để vận chuyển mai đến các nơi tiêu thụ.

Theo các chủ vườn mai ở đây, do năm nay thời tiết thuận lợi, nắng ấm, ít sâu bệnh nên cây mai phát triển tốt, nụ nhiều, to đều. Điều đáng nói, năm nay mai được mùa nhưng không rớt giá và từ cuối tháng 11 âm lịch đã có nhiều thương lái đến hỏi mua mai với số lượng lớn. 

“Đối với người trồng mai, thời tiết năm nay quá tuyệt vời. Hoa mai khả năng sẽ nở đúng dịp Tết nên chúng tôi rất phấn khởi. Năm nay tôi xuất bán khoảng 500 chậu, độ tuổi từ 5 – 7 năm. Đến thời điểm hiện tại, thương lái đã đến vườn mua 100 chậu với giá 70 triệu đồng. Thường thì mai được mùa sẽ mất giá nhưng tới thời điểm này giá mai cao hơn năm trước khoảng 10%”, chị Nguyễn Thị Kim Hương (một chủ mai ở thôn Thanh Liêm) cho biết.

Ông Tuấn say sưa nói chuyện làm mai nghệ thuật bonsai.

Anh Trương Trường Thịnh (một chủ mai ở thôn Háo Đức) cũng đã xuất bán 150 chậu mai ở độ tuổi từ 4 – 6 năm với giá 600.000 đồng/chậu cho thương lái. Năm nay, gia đình anh có hơn 2.000 chậu mai ở độ tuổi xuất bán. 

“Mấy hôm nay, ngoài thương lái trong Nam, ngoài Bắc đến hỏi mua với số lượng lớn thì người dân trong tỉnh Bình Định cũng đến hỏi mua để về chưng Tết. Họ mua sớm như vậy là để chọn những chậu mai ưng ý. Với người Bình Định, Tết mà có chậu mai trong nhà thì ấm cúng lắm”, anh Thịnh cho biết.

Thời điểm này, nhiều thương lái mua mai đã lặt lá, nhưng cũng người người mua mai chưa lặt lá. Bởi việc lặt lá mai sớm hay muộn còn phụ thuộc vào thời tiết từng vùng. Lặt lá mai đúng thời điểm thì hoa mai mới nở đúng dịp Tết. Vậy nên, tại các vườn mai ở Nhơn An, trong khi chủ vườn, thương lái bận rộn với việc mua bán thì nhân công cũng hối hả lặt lá mai.

Bà Nguyễn Thị Minh (ở thôn Háo Đức) đang lặt lá mai thuê ở vườn mai của anh Thịnh, cho biết: “Lặt lá mai quan trọng là phải khéo léo, cẩn thận để giữ lại búp, chứ không khéo lặt luôn búp thì coi như hỏng. Chậu mai mà ít búp thì không còn giá trị nữa. Cái nghề này 1 năm mới có 1 vụ và cũng chẳng tốn công sức là bao. Công tôi lặt nhà vườn trả 120.000 đồng/ngày. Dịp này tôi cũng có đồng ra đồng vào nhờ đi lặt lá mai thuê”.

Theo ông Chế Anh Huy, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Nhơn An, sở dĩ năm nay mai được mùa nhưng không rớt giá là bởi từ lâu mai vàng Nhơn An thành thương hiệu nổi tiếng cả nước với dáng thế đẹp, giá cả vừa phải. 

Ngoài ra, nhu cầu của người chơi mai ngày Tết cao, đời sống người dân ngày càng được cải thiện nên giá cả ổn định và nhỉnh hơn so với năm trước. Dự kiến vụ mai Tết năm nay, 1.500 hộ trồng mai tại các làng mai trên địa bàn xã sẽ xuất bán ra thị trường trên dưới 2 triệu chậu, doanh thu khoảng 30 tỷ đồng.

Mai được bày bán dọc tuyến đường tỉnh lộ 631 chạy qua xã Nhơn An.

Chuyện về “vua” mai bonsai

Nhắc đến thủ phủ mai vàng miền Trung không thể không nhắc đến “vua” mai bonsai nơi đây. Danh xưng này là những người chơi mai ở miền Trung đặt cho ông Nguyễn Trí Tuấn (61 tuổi, ở thôn Thanh Liêm). Ông được xem như một “bác sĩ” chuyên “phẫu thuật” cho mai để tạo những dáng bonsai độc đáo.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tuấn bảo, cơ duyên đưa ông đến với nghề trồng mai cũng khá thú vị. Bởi trước năm 1987, ông làm nghề lái máy ủi. Thời ấy, ông có sở thích chơi cây kiểng, nhất là mai nên hôm nào xong việc, ông tranh thủ đến vườn mai quen ở thôn Háo Đức xem người ta cắt tỉa, uốn cành. 

Lúc đó ông mua cặp mai 500.000 đồng rồi đem về thử tạo dáng. Tưởng chơi nhưng có người đến nhà trả mua gần 5 triệu đồng, thấy lợi nhuận cao nên ông quyết định bỏ nghề lái máy ủi để đầu tư vào nghề trồng mai.

Năm 1987, ông Tuấn thuê đất, đầu tư mạnh vào nghề trồng mai với 2.000 chậu. So với người trồng mai ở Nhơn An, ông Tuấn chỉ thuộc dạng hậu bối, song bằng sự tỉ mẩn học hỏi, sáng tạo, chẳng bao lâu vườn mai của ông đã chiếm lĩnh thị trường khắp cả nước. 

Rồi, từ kinh nghiệm những năm trồng mai, ông nghĩ đến một lúc nào đó, khi đô thị hóa phát triển chóng mặt, nhà cao tầng mọc lên san sát, không gian bị thu hẹp nên loại mai nghệ thuật, vừa đẹp lại nhỏ gọn dễ bố trí trong nhà. Thế là năm 2012, ông quyết định cưa trụi 200 chậu mai trong vườn để chuyển qua thế mai bonsai.

“Lúc đó, nhiều người trồng mai ở Nhơn An cho rằng đầu óc tôi có vấn đề, vì số mai ấy bán gộp, không có sự phân loại, lựa chọn cũng gần 300 triệu đồng. Tôi không nói gì mà cứ làm, vì tin rằng khi chúng đã đứng dáng bonsai thì giá bán sẽ tăng gấp nhiều lần. Và đúng vậy, mùa Tết năm 2013, khi bán những chậu mai bonsai đầu tiên, tôi thu được lợi nhuận gấp 3 lần mai thương phẩm”, ông Tuấn cho biết.

Sau lứa mai bonsai đầu tiên thu lợi nhuận cao, ông Tuấn lại nghĩ, nếu trồng từ mai con thì phải nhiều năm sau mới có thể tạo dáng bonsai, như thế việc có lợi nhuận sẽ rất lâu. Từ ý nghĩ này, ông bắt đầu tìm về các vườn mai trong tỉnh, rồi hỏi mua những cây mai kém phát triển, dáng xấu do thiếu chăm sóc với giá rẻ. Sau đó, ông đem về tạo lại dáng nghệ thuật.

Theo ông Tuấn, mai được mua ở nhà vườn khác mang về, trước khi được tạo dáng bonsai, phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, phải cắt thân, giũ sạch đất cũ, làm vệ sinh kỹ lưỡng để loại bỏ những vi sinh vật có thể gây bệnh cho cây. 

Sau đó, tùy từng cây mà có chế độ chăm sóc riêng. Khi cây được hồi sức thì mới cấy ghép chồi. Chồi phải được ghép chỗ đường nhựa đi lên, phần ghép phải được bọc kín để khi tưới nước không thấm vào. Cây mới ghép chỉ tưới lượng nước vừa phải và phải để trong mát, tránh bị ánh nắng làm ra mồ hôi.

“Để hình thành cây mai bonsai phải qua 3 công đoạn tạo dáng là uốn nhịp 1 đi thẳng, khi cây mai phát triển thêm uốn nhịp 2 rớt xuống một chút, đợi cây phát triển thêm mới uốn nhịp 3 để có một cành đổ hoàn hảo. Năm 2015, tôi mua cây mai hơn 60 năm tuổi với giá 60 triệu đồng có dáng trực lùm, rồi về đã phá trụi để tạo ra dáng phụ tử hoặc dáng trực huyền. 

Hồi đó, nhìn dáng thế cây mai, người nhà nghề ai cũng nhận ra cái dáng nghệ thuật tiềm ẩn nhưng chẳng mấy ai dám mua về phá sạch để tạo dáng khác như tôi. Bây giờ, khi đã ra dáng bonsai, có người đã trả 300 triệu đồng nhưng tôi chưa bán”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, hiện nay người dân miền Trung rất ưa chuộng mai bonsai. Để đáp ứng nhu cầu của khách, ngoài cây mai có dáng thế độc, lạ, ông còn thiết kế chậu mai mới để khách hàng lựa chọn. Hiểu được tâm lý khách hàng nên những năm gần đây, vườn mai bonsai của ông Tuấn luôn đắt khách. Trong mùa Tết này, ông dự tính lợi nhuận thu từ bán mai bonsai khoảng 1 tỷ đồng.

Thương lái vận chuyển mai mua ở thôn Háo Đức lên xe tải để đi tiêu thụ.

Mai xuân sạch, đẹp

Năm 2010, dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mai thâm canh sạch hơn” của Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định) được triển khai tại Nhơn An. 

Dự án xây dựng quy trình trồng mai thâm canh sạch theo hướng hàng hóa bằng việc áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, thay thế các hóa chất bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học hoặc hóa chất ít độc hại hơn. 

Từ dự án này, nhiều hộ chuyển từ canh tác truyền thống sang canh tác theo hướng an toàn bằng cách ủ phân vi sinh kết hợp với xơ dừa, đất, sử dụng phân bón sinh học trong việc phòng ngừa sâu bệnh, dùng hệ thống lọc xử lý nước tưới cho cây, làm nhà lưới… Việc làm này vừa giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, vừa bảo vệ được sức khỏe, môi trường.

Ông Tuấn bảo, phân bón cũng như thuốc bổ cho con người. Phân hóa học được xem như thuốc tây, uống vào thấy tác dụng ngay nhưng cũng mau phai và thường biến chứng; phân sinh học được xem như thuốc nam, thuốc bắc, ngấm dần mà hiệu quả rất cao. Vậy nên ông luôn tiên phong đi đầu trong việc phát triển vùng mai theo hướng an toàn nhằm tạo ra sản phẩm mai xuân sạch – đẹp.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2013, mai vàng Nhơn An được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mai vàng Nhơn An”. Đến nay đã có hơn 120 hộ trồng mai ở Nhơn An đăng ký sử dụng nhãn hiệu này. Hiện chính quyền xã Nhơn An đang hoàn thiện quy hoạch vùng trồng mai tập trung theo hướng an toàn với diện tích 40ha, đồng thời khảo sát xây dựng nhà trưng bày sản phẩm mai vàng Nhơn An.Nghề trồng mai ở Nhơn An đang được đầu tư rất lớn, ngày càng chuyên nghiệp và là nguồn sống của hầu hết các hộ dân nơi đây. Thời điểm này, về Nhơn An sẽ thấy khung cảnh mọi người tất bật với công việc chăm sóc, giao dịch mai. Những vườn mai bạt ngàn hé nụ xen lẫn với nắng vàng rực rỡ trông thật tuyệt vời. 

Tác giả: Phan Nhuận Phin

Nguồn: Cảnh sát Toàn cầu Online

Link: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/o-thu-phu-mai-vang-mien-trung-529382/