(PLVN) – Thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định) được xem là thủ phủ mai vàng miền Trung, góp phần tô điểm bức tranh kinh tế địa phương thêm giàu đẹp. Để tăng thêm giá trị của mai vàng, mới đây UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đề án “Phát triển làng nghề sản xuất cây mai vàng Nhơn An”.
Thủ phủ mai vàng
Hiện nay, trên địa bàn thị xã An Nhơn có gần 1.500 hộ trồng mai vàng, trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Nhơn An có gần 700 hộ và Nhơn Phong có gần 300 hộ. Cây mai vàng đem lại hiệu quả kinh tế cao, hàng năm ở an Nhơn xuất bán ra thị trường trên 230.000 cây, nhiều hộ gia đình trồng với số lượng lớn từ 5.000 – 10.000 cây, cho doanh thu từ 400 – 600 triệu đồng/năm; các hộ còn lại thu nhập từ 50 – 300 triệu đồng/năm.
Xã Nhơn An hiện có 5 thôn trồng mai vàng được công nhận làng nghề, trong đó nổi tiếng nhất là làng mai Háo Đức và Thanh Liêm. Ở hai làng mai này hiện có hàng chục nghệ nhân có hàng chục nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc và kỹ thuật tạo dáng cây mai.
Ông Nguyễn Trí Tuấn (62 tuổi, ngụ thôn Thanh Liêm) được người chơi mai ở miền Trung gọi là “vua mai bonsai”. Bởi, ông được xem như một “bác sĩ” chuyên “phẫu thuật” cho mai để tạo những dáng bonsai độc đáo. Cơ duyên đưa ông đến với nghề trồng mai cũng khá thú vị.
Bởi trước năm 1987, ông làm nghề lái máy ủi. Thời ấy, ông có sở thích chơi cây kiểng, nhất là mai nên hôm nào xong việc, ông tranh thủ đến vườn mai những quen ở thôn Háo Đức xem người ta cắt tỉa, uốn cành. lúc đó ông mua cặp mai 500.000 đồng rồi đem về thử tạo dáng.
Tưởng chơi nhưng có người đến nhà trả mua gần 5 triệu đồng, thấy lợi nhuận cao nên ông quyết định bỏ nghề lái máy ủi để đầu tư vào nghề trồng mai. Bằng sự tỉ mẩn học hỏi, sáng tạo, chẳng bao lâu sản phẩm mai vàng của ông Tuấn đã chiếm lĩnh thị trường khắp cả nước.
Từ năm 2012, ông táo bạo chuyển hướng tạo thế mai bonsai và thu về lợi nhuận lớn. Biết đã tìm được hướng đi đúng, ông Tuấn tìm mua những cây mai kém phát triển, dáng xấu do thiếu chăm sóc với giá rẻ. Sau đó, ông đem về tạo lại dáng nghệ thuật.
“Năm 2015, tôi mua cây mai hơn 60 năm tuổi với giá 60 triệu đồng có dáng trực lùm, rồi về đã phá trụi để tạo ra dáng phụ tử hoặc dáng trực huyền. Hồi đó, nhìn dáng thế cây mai, người nhà nghề ai cũng nhận ra cái dáng nghệ thuật tiềm ẩn nhưng chẳng mấy ai dám mua về phá sạch để tạo dáng khác như tôi. Bây giờ, khi đã ra dáng bonsai, có người đã trả 300 triệu đồng nhưng tôi chưa bán” , ông Tuấn chia sẻ.
Điều đáng nói, ông Tuấn tuyệt đối không dùng phân hóa học mà dùng phân sinh học để chăm sóc mai. Với ông, phân bón cũng như thuốc bổ cho con người. Phân hóa học được xem như thuốc tây, uống vào thấy tác dụng ngay nhưng cũng mau phai và thường biến chứng; phân sinh học được xem như thuốc nam, thuốc bắc, ngấm dần mà hiệu quả rất cao. Hiểu được tâm lý khách hàng nên những năm gần đây, vườn mai bonsai của ông Tuấn luôn đắt khách. Với 700 gốc mai bonsai, trong mùa Tết này, ông dự tính lợi nhuận hơn nửa tỷ đồng.
Đầu tư phát triển làng mai sạch
Năm 2012, cây mai vàng Nhơn An được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mai vàng Nhơn An” . Từ đó, mai vàng ở đây khẳng định được bản quyền đối với sản phẩm nên dễ dàng quảng bá thương hiệu đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Sản xuất mai vàng ở thị xã An Nhơn đã trở thành ngành sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa, giải quyết lao động nông thôn, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ông Đào Xuân Huy – Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn: “Triển khai thành công các nội dung của đề án sẽ tăng thêm giá trị của cây mai vàng lên từ 20 – 30%, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, có hiệu quả cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và đưa mai vàng trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thị xã An Nhơn”.
Tuy phong trào trồng mai vàng ở An Nhơn đang phát triển mạnh mẽ nhưng việc tổ chức sản xuất còn hạn chế. Do đó, để nâng cao giá trị cây mai vàng gắn với việc đảm bảo môi trường, thị xã An Nhơn đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định xây dựng đề án “Phát triển làng nghề sản xuất cây mai vàng Nhơn An” .
Mục tiêu của đề án là hình thành các khu trồng cây mai vàng tập trung trên địa bàn xã Nhơn An, Nhơn Phong với quy mô diện tích 75ha để di chuyển mai trồng trong vườn nhà, khu vực dân cư vào khu trồng tập trung đến năm 2020 là 50%, đến năm 2025 khoảng 80%.
Tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh một cách khoa học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới làm đầu mối để tổ chức sản xuất, tiêu thụ mai tránh tình trạng bị động, bị thương lái ép giá để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng và phát triển bền vững. Hình thành khu trưng bày, giới thiệu và quảng bá thương hiệu “Mai vàng Nhơn An” gắn với phát triển du lịch làng nghề.
Tháng 9/2019, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc đề án. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 47 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách tỉnh, ngân sách thị xã, ngân sách các xã và các nguồn vốn khác. Thời gian thực hiện đầu tư từ năm 2020 – 2022.
Tác giả: Thắng Mỹ
Nguồn: Pháp luật Việt Nam
Link: https://baophapluat.vn/ket-noi/sac-xuan-o-thu-phu-mai-vang-mien-trung-489398.html