Ông Nguyễn Trí Tuấn (ở thị xã Nhơn An, tỉnh Bình Định) là điển hình trong việc áp dụng tốt quy trình trồng mai mới. Với hơn 700 gốc mai bonsai trong nhà lưới, người nông dân này đã thu về vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Thu nhập vài trăm triệu đồng
Theo UBND xã Nhơn An, toàn xã có trên 1.500 hộ trồng mai thương phẩm với khoảng 477.000 cây. Hiện nay, cây mai đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, tác hại từ trồng và chăm sóc mai cũng không nhỏ, nhất là đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Phần lớn mai của người dân thị xã An Nhơn được trồng trong vườn nhà với số lượng lớn. Trong khi loại cây trồng này có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại nên có không ít hộ đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi để phòng trị, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng và cả chính người trồng mai.
Ông Nguyễn Văn Minh (thôn Háo Đức) cho biết: “Vì vườn nhà quá chật hẹp, hơn nữa sợ phun thuốc sâu nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nên tôi đã chuyển 1.000 trong số 3.000 cây mai từ vườn nhà ra ruộng lúa thuộc thôn Thanh Liêm để trồng và chăm sóc”.
Hiện nay, nhiều hộ chuyên trồng mai ở thị xã An Nhơn ý thức tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng và chăm sóc mai, nên đã áp dụng hiệu quả quy trình trồng mai sạch bằng việc áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp; thay thế các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật bằng chế phẩm sinh học, hoặc hóa chất ít độc hại hơn.
Ông Nguyễn Trí Tuấn (ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An) là người đã áp dụng tốt quy trình nói trên, ông cho biết gia đình tôi có hơn 700 gốc mai bonsai được trồng trong nhà lưới. Thu nhập bình quân vài trăm triệu đồng mỗi năm.
“Tôi thường ủ phân vi sinh kết hợp với xơ dừa và đất, sử dụng chế phẩm sinh học trong việc phòng ngừa sâu bệnh, dùng hệ thống lọc xử lý nước tưới cho cây, làm nhà lưới… là cách tôi thay đổi từ trồng mai truyền thống sang trồng mai theo hướng an toàn.” – ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, cái lợi trước mắt là giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật, giảm việc tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, cải thiện môi trường trong chính khu vườn của gia đình và môi trường xung quanh.
Hơn 46 tỷ đồng phát triển làng mai sạch
Ông Đào Xuân Huy – Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn – cho biết: Để nâng cao giá trị cây mai vàng gắn với việc đảm bảo môi trường, thị xã An Nhơn đã phối hợp với Sở NN&PTNT Bình Định xây dựng Đề án Phát triển làng sản xuất “Mai vàng Nhơn An”.
Theo đề án, sẽ hình thành vùng sản xuất cây mai vàng tập trung trên địa bàn xã Nhơn An và Nhơn Phong với quy mô 75 ha. Trong đó, tại xã Nhơn An quy hoạch 45 ha ở các thôn: Háo Đức, Trung Định, Thanh Liêm, Thuận Thái; 30 ha tại thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong để di chuyển mai từ vườn nhà, trong khu dân cư ra khu vực quy hoạch.
Tại 2 vùng quy hoạch này sẽ xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống điện lưới, kênh mương để phục vụ trồng và chăm sóc mai; thành lập 2 Hợp tác xã kiểu mới để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn thông tin, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các hạng mục công trình thuộc Đề án. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 46,7 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách tỉnh, ngân sách thị xã, ngân sách các xã và các nguồn vốn khác. Thời gian thực hiện đầu tư từ năm 2020 – 2022.
“Với việc thực hiện đề án này, hy vọng sẽ tăng thêm giá trị cây mai vàng từ 20 – 30%, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế -xã hội địa phương phát triển.” – ông Huy cho biết thêm.
Tác giả: Doãn Công
Báo Dân Trí