Với 5 làng nghề trồng mai truyền thống, 1.200 hộ dân trồng mai chuyên nghiệp, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn chậu mai kiểng, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) được mệnh danh là vựa mai miền Trung.
Những ngôi làng triệu phú
Từ cuối tháng 11 Âm lịch đến hết tháng Chạp, những con đường vào các làng Háo Đức, Thanh Liêm, Thuận Thái, Trung Định, Tân Dương… của xã Nhơn An luôn tấp nập những ô tô, xe tải của người đi mua mai. Từ trong vườn cho đến ngoài ruộng, đâu cũng thấy nông dân hối hả chăm mai để bán Tết. Người đi mua mai dễ dàng nhận ra sự đổi thay đổi chóng vánh của những ngôi làng này. Nếu cách đây hơn 10 năm, ở Nhơn An đa phần là nhà xây 3 gian thấp lè tè thì nay lại có nhiều nhà lầu, tường rào kiên cố, trong vườn có hàng trăm chậu mai, ô tô đỗ trong sân.
Ông Đỗ Văn Bé (66 tuổi), một nông dân chuyên trồng mai ở làng Háo Đức, cho biết nghề này xuất hiện tại đây đã hơn 40 năm. Khi đó, ông Đặng Xuân Lang vốn là một cán bộ tập kết, khi về hưu đã đem giống mai từ miền Nam về trồng ở Háo Đức. Cụ Lang còn rủ thêm nhóm bạn bè xem xém tuổi với mình cùng trồng rồi bình mai lẫn nhau. Từ đó, ý tưởng về tạo dáng thế cho thân mai, lai ghép nhân giống mai ở Háo Đức bắt đầu. Những người con trai của cụ Lang như Ba Hoành, Sáu Sự và một số người khác nghĩ đến việc trồng mai để bán vào dịp Tết. Từ làng Háo Đức, nghề trồng mai lan rộng ra thôn Thanh Liêm, Thuận Thái, Trung Định, Tân Dương…
Ngay đầu làng Háo Đức đã nhìn thấy ngôi nhà lầu của ông Sáu Ngữ (tên thật là Đặng Xuân Ngữ, 68 tuổi) sừng sững giữa khu vườn có hơn 2.000 chậu mai. Ông Ngữ theo nghề trồng mai đã hơn 30 năm, mỗi năm có thu nhập từ 200 – 500 triệu đồng. Ông nổi tiếng ở làng mai Háo Đức cách đây mấy chục năm khi bán một cây mai cho một gia đình giàu có ở tỉnh Trà Vinh với giá 10 cây vàng. “Ở Nhơn An, người trồng mai nhiều thì có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, người trồng ít cũng đủ để cho gia đình một cuộc sống ấm no. Người có nghề thì mua mai vài tuổi về chăm một hai năm sau bán lại, người có đất mà không có nghề thì ươm mai giống ngoài ruộng rồi chăm vài năm thì bán, còn người không có đất thì đi làm thuê cho các vườn mai cũng có thu nhập cao”, ông Sáu Ngữ cho biết.
Theo ông Sáu Ngữ, nhân công lặt lá, nhổ cỏ, vận chuyển mai, kéo xe đất… ở làng mai được trả 250.000 đồng/ngày. Thợ trồng mai có tay nghề ở Nhơn An đi chăm mai trong tỉnh được trả công 300.000 đồng/ngày, đi các tỉnh khác thì được trả đến 500.000 đồng/ngày. Ngoài ra, ở các làng mai còn có nghề phụ trợ như vót cọc tre, đúc chậu, bán đất…
Chủ tịch UBND xã Nhơn An Nguyễn Tấn Đức cho biết toàn xã có khoảng 1.500 hộ dân thì 1.200 hộ tham gia trồng mai. Dịp Tết Kỷ Hợi (năm 2019), người dân xã Nhơn An thu được 27 tỉ đồng từ tiền bán mai. “Cách đây hàng chục năm, xã Nhơn An đã được mệnh danh là thủ phủ mai vàng miền Trung. Nhiều tỉ phú ở các làng mai tại xã Nhơn An như: Sáu Ngữ, Lê Văn Phú, Bùi Thành Long, Hồ Minh Nhật, Hồ Minh Nguyệt, Trường Hào, Nguyễn Trí Tuấn… được người chơi mai trên cả nước biết đến”, ông Đức nói.
Luyện mai như rèn người quân tử
Theo ông Sáu Ngữ, nghề trồng mai có ở nhiều tỉnh miền Trung, tỉnh Bến Tre, huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), quận Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh), còn nghề trồng mai ở Nhơn An ra đời sau nhưng sớm có thương hiệu là nhờ tạo được dáng mai trực độc nhất vô nhị. Trải qua mấy chục năm chuyên cần lam lũ, ăn ngủ cùng với cây mai, nhiều người dân ở Nhơn An không chỉ trở thành những triệu phú, tỉ phú mà còn là những nghệ nhân tài hoa, khéo léo. “Mai Háo Đức tạo dáng theo thế trực, tượng trưng cho tinh thần hiên ngang, bất khuất của người quân tử. Thế mai khắc khổ, nhưng khi vươn lên thì thân rồng lực lưỡng, tứ chi đầy đặn”, ông Sáu Ngữ nói.
Theo ông Sáu Ngữ, sau khi ươm cây mai giống lớn bằng đầu ngón tay, người trồng mai bắt đầu đưa vào chậu để cắm chông, buộc lạt uốn nắn theo dáng mai trực. Trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây mai, việc chăm sóc dáng thế luôn được chú trọng. Nếu người chạy theo kinh tế thì cây mai đến 3 – 4 năm là bán được nhưng có người giữ đến 5 hay 6 năm, thậm chí có người giữ đến hàng chục năm.
Những năm gần đây, ngoài dáng trực, nhiều nhà vườn ở xã Nhơn An còn phát triển theo hướng trồng mai bonsai. Trong đó, ông Nguyễn Trí Tuấn (chủ vườn mai Tuấn Ngọc, ở thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An) là một trong những người tiên phong. Ông Tuấn cũng là người lai tạo ra giống mai Tuấn Ngọc đang được nhiều nhà vườn ở Bình Định sử dụng. Hiện trong vườn ông Tuấn có khoảng 700 chậu mai bonsai, nhiều cây lâu năm có giá trên 100 triệu đồng, cá biệt có chậu đã được trả giá 500 triệu đồng.
Sau Tết Nguyên đán, ông Tuấn đi dạo các nhà vườn trong vùng thu mua những cây mai còi cọc do kém chăm sóc, dáng xấu… với giá rẻ mang về để tạo dáng bonsai. “Ban đầu, mai bonsai có 4 dáng cơ bản là trực, xiêu, hoành, huyền nhưng càng về sau người trồng mai càng phá cách, nghiên cứu để tạo thêm nhiều dáng mới. Đặc điểm của mai bonsai đứng trong những chậu nhỏ, đất ít nên để có cây mai đẹp, sống thọ cần phải có chế độ chăm sóc rất kỹ. Vì vậy, trồng mai thương phẩm thì có thể chăm sóc số lượng nhiều đến cả vạn cây, nhưng làm mai bonsai thì 700 cây đã là một số lượng rất khủng. Tuy nhiên nhờ mai bonsai có giá cao hơn mai thương phẩm nên người trồng mai vẫn có thu nhập ổn định”, ông Tuấn nói.
Ông Đào Xuân Huy – Phó Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho biết UBND tỉnh Bình Định đã công nhận 5 làng nghề trồng mai kiểng trên địa bàn xã Nhơn An gồm: Háo Đức, Thuận Thái, Trung Định, Thanh Liêm, Tân Dương. Hiện tỉnh Bình Định đang triển khai đề án phát triển làng nghề sản xuất cây mai vàng Nhơn An. Theo đề án, sẽ hình thành 2 vùng sản xuất cây mai vàng tập trung trên địa bàn xã Nhơn An và Nhơn Phong với quy mô 75ha. Ngay trong dịp Tết Canh tý năm nay, lần đầu tiên Thị xã An Nhơn tổ chức Hội mai xuân tại Nhơn An để quảng bá cây mai.
Tác giả: Hoàng Trọng
Nguồn: Tạp chí Nông thôn Việt
Link: http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/xa-hoi/202001/thu-phu-mai-vang-mien-trung-754851/